Cần nâng cao nhận thức trong quản lý thức ăn nuôi tôm
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Albert George Tacon (ảnh) - Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Aquatic Farms tại Hawaii, một chuyên gia/nhà nghiên cứu/giảng viên hàng đầu thế giới, có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thức ăn - dinh dưỡng thủy sản.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và những lĩnh vực công tác chính?
Tôi tên là Albert Tacon, hiện đang là Giám đốc Kỹ thuật tại công ty Aquatic Farms - một công ty thuộc đảo Oahu - Hawai, Mỹ. Công việc của tôi tại Aquatic Farms trong 15 năm qua là một nhà tư vấn nuôi trồng thủy sản độc lập, chuyên về thức ăn thủy sản và dinh dưỡng. Sau khi trở thành Tiến sỹ trong lĩnh vực dinh dưỡng thủy sản tại Đại học Wales (Vương quốc Anh), tôi đã dành 8 năm làm việc tại Anh như một giảng viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng thủy sản tại Đại học Aston - Birmingham và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản tại Stirling.
Vào năm 1984, tôi gia nhập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và làm việc tại đây trong 14 năm như một chuyên gia thức ăn và dinh dưỡng trong nuôi trồng thủy sản. Năm 1994, tôi chuyển đến Hawaii và làm Giám đốc phụ trách chương trình thức ăn và dinh dưỡng thủy sản tại Viện Oceanic.
Thức ăn có vai trò như thế nào với tôm nuôi, thưa ông?
Thức ăn và dinh dưỡng cho tôm là đại diện cho các hạng mục có chi phí cao nhất trong nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh trên toàn thế giới, thường chiếm 35 - 65% tổng chi phí vận hành trại nuôi. Hơn nữa, một trong những đặc điểm riêng biệt độc đáo của hoạt đông nuôi tôm hiện nay là sự phong phú của thức ăn nuôi tôm đang được nông dân áp dụng trong quá trình sản xuất, từ việc sử dụng những thức ăn tươi sống để sản xuất tôm bố mẹ và ấu trùng tôm (bao gồm giun biển, mực, sò, vi tảo…) đến việc sử dụng thức ăn công thức trong hoạt động nuôi tôm thương phẩm. Không có nghi ngờ gì về hiệu quả dinh dưỡng của thức ăn nuôi tôm, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ bệnh dịch tiềm năng trong nhiều mặt hàng thức ăn.
Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của an toàn sinh học trong thức ăn ở tương lai. Thức ăn an toàn sinh học và chiến lược nuôi tôm trong trại nghĩa là “Thức ăn, dù tươi sống hay là thức ăn công thức và sự quản lý thức ăn trong trang trại không nên là đầu vào cho những mầm bệnh tiềm ẩn cho tôm và hoặc cho hệ thống nuôi trồng”. Như ngành công nghiệp gia cầm và cá hồi hiện đại, rõ ràng ngành công nghiệp tôm cũng phải chuyển dịch từ việc sử dụng những mặt hàng thức ăn nuôi tươi sống truyền thống có nguy cơ bệnh dịch cao sang việc sử dụng thức ăn công thức khô đảm bảo an toàn sinh học cho toàn bộ quy trình sản xuất tôm.
Theo ông, những công nghệ nào đang được áp dụng trong sản xuất thức ăn tôm hiện nay?
Hiện nay, hầu hết thức ăn nuôi tôm thương mại được sản xuất bằng công nghệ ép viên hơi thông thường, với điều chế viên trước hay sau để sản xuất thức ăn dạng viên có tính ổn định của nước. Điều này trái ngược hoàn toàn với cá khi các thức ăn được sản xuất bằng công nghệ đùn. Đáng kể hơn, việc sử dụng công nghệ ép viên hơi nước thông thường để sản xuất thức ăn nuôi tôm là để phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chìm nhanh do thói quen ăn ở đáy của tôm.
Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong công nghệ đùn đã cho phép người pha trộn thức ăn sản xuất thức ăn dễ chìm với khả năng hấp thu dinh dưỡng được cải thiện và sự ổn định của nước so sánh với thức ăn tôm dạng viên thông thường. Mặc dù, quá trình đùn yêu cầu sự đầu tư và chi phí vận hành cao hơn so với ép hơi viên, nhưng quá trình đùn có lợi hơn do khả năng giảm chi phí tạo thành công thức thức ăn, khả năng tận dụng nguồn chất thải có sẵn tại địa phương, cải thiện hồ hóa tinh bột và khả năng hấp thu dinh dưỡng, giảm thức ăn lãng phí và ô nhiễm nguồn nước, sản xuất được nhiều kích cỡ hạt thức ăn, đảm bảo thanh trùng thức ăn tôm và an toàn sinh học, giảm chi phí thức ăn trên một đơn vị sản xuất ở các trang trại.
Cung ứng nguyên liệu cho sản xuất tôm hiện có gặp khó khăn nào không, thưa ông?
Một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn tôm ở Việt Nam là sự phụ thuộc phổ biến vào việc sử dụng các nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn nhập khẩu và giá thức ăn địa phương vào giá nguyên liệu thế giới cũng như tỷ giá hối đoái. Điều này đặc biệt đúng với hầu hết các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới ở châu Á, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Thái Lan.
Do đó, trong tương lai, vấn đề quan trọng là làm thế nào để có thể sử dụng tốt hơn các nguồn nguyên liệu thức ăn nông nghiệp có sẵn tại địa phương, hoặc thông qua việc áp dụng những công nghệ tiên tiến để cải thiện giá trị dinh dưỡng của những phó phẩm nông nghiệp sẵn có (Ví dụ như việc sử dụng quá trình lên men trạng thái rắn hoặc thông qua việc sử dụng những chất enzym dinh dưỡng bổ sung để cái thiện khả năng hấp thụ dinh dưỡng của những thành phần thức ăn có ít giá trị); hoặc thông qua việc phát triển những chiến lược sản xuất thức ăn có thành phần mới (như sản xuất hàng loạt tại địa phương những protein đơn bào như vi khuẩn, nấm men, các loại tảo từ dòng dinh dưỡng chi phí thấp).
Hầu hết thức ăn cho tôm có dạng viên để ổn định trong nước (Ảnh: Trần Út)
Ông có những lưu ý nào trong việc quản lý thức ăn cho tôm?
Người ta ước tính, khoảng 80% các trang trại nuôi trồng thủy sản tại châu Á (bao gồm cả Việt Nam) hiện tại đều vận hành ở quy mô nhỏ, với thực tiễn sản xuất nghèo nàn và bùng nổ dịch bệnh đe dọa đến sinh kế của nhiều hộ nuôi tôm quy mô nhỏ. Những nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ đang đại diện cho các liên kết yếu nhất trong hầu hết các nước sản xuất tôm ở ASEAN và là mắt xích dễ bị tổn thương nhất với việc sử dụng những biện pháp canh tác không bền vững và nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn. Dù có những khó khăn trên, các công ty thức ăn và hầu hết các chương trình khuyến nông quốc gia hiếm khi tập trung hay là nhắm mục tiêu vào các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ với các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức và phương pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất của họ. Hơn nữa, vì hầu hết sản phẩm tôm của ASEAN là cho xuất khẩu nên đang càng ngày bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn bởi các nước nhập khẩu tôm (như Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu); cùng đó, thị trường đang có yêu cầu cao với các sản phẩm tôm trong việc tuân thủ BMP (thực hành quản lý trong nuôi tôm) cũng như những kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nhập khẩu chặt chẽ, bao gồm cả việc kiểm tra dư lượng kháng sinh và chất gây ô nhiễm.
Vì kênh thường gặp nhất của việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn nuôi tôm là thông qua việc dùng thức ăn tại trang trại của nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ, điều quan trọng là những người nông dân nhận thức được những rủi ro và tầm quan trọng của vấn đề quản lý thức ăn; quản lý thức ăn nuôi tôm tại trang trại bao gồm tất cả công đoạn được tiến hành bởi nông dân - chủ trang trại và những người làm thuê phải gắn với việc xử lý, lưu trữ thức ăn nuôi tôm và cho ăn tại trang trại.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Trong tương lai, vấn đề quan trọng là làm thế nào để có thể sử dụng tốt hơn các nguồn nguyên liệu thức ăn nông nghiệp có sẵn tại địa phương, hoặc thông qua việc áp dụng những công nghệ tiên tiến để cải thiện giá trị dinh dưỡng của những phế phẩm nông nghiệp sẵn có, hay thông qua việc phát triển những chiến lược sản xuất thức ăn có thành phần mới. |