Kinh nghiệm nuôi tôm “khỏe” của Thái Lan
Trang trại nuôi tôm ở miền Nam Thái Lan
Áp dụng nuôi có trách nhiệm
Nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm của tiêu dùng thế giới, Cục Nghề cá Thái Lan (DOF) đã áp dụng hai hệ thống kiểm tra chất lượng đối với nghề nuôi tôm xuất khẩu. Ðó là Hệ thống Chất lượng GAP (Thực tiễn nuôi tốt) và Quy tắc Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO. GAP là tiêu chuẩn chất lượng cho các trại sản xuất giống và các trại nuôi thủy sản; CoC là tiêu chuẩn chất lượng dùng cho toàn bộ hệ thống sản xuất, từ nuôi đến chế biến.
Ðể áp dụng theo GAP, các trại nuôi cần bắt đầu từ việc quản lý bên trong trại, như: chọn địa điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, chất lượng nước nuôi và nước sinh hoạt; ngoài ra phải có kế hoạch nuôi, nuôi đúng kỹ thuật, đúng thời vụ, dùng thức ăn có chất lượng, nguồn nước đảm bảo, có kế hoạch thu hoạch và vốn đầu tư.
Cơ sở hạ tầng (nhà xưởng, máy móc thiết bị…) phải sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên, phù hợp tiêu chuẩn và được sử dụng đúng cách.
Các nguồn nước nuôi tôm không bị ô nhiễm và được xử lý trước khi nuôi. Chất lượng nước theo đúng tiêu chuẩn và không bị nhiễm khuẩn. Ðường nước thải phải riêng biệt, nước thải được xử lý để không làm ô nhiễm môi trường.
Khu vực xung quanh trại nuôi phải sạch sẽ, chất lắng đọng trong ao nuôi được vớt lên thường kỳ. Khi cải tạo ao, không được dùng các hóa chất bị cấm, thuốc trị bệnh cũng tuân theo quy định và chỉ được dùng trước khi thu hoạch ít nhất 21 ngày.
Việc thanh tra trại nuôi theo GAP được chia làm hai giai đoạn; thứ nhất là kiểm tra vệ sinh trại, thứ hai là kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi (các loại Tetraxiclin, Oxi-Tetraxiclin, Axit Oxolinic, Sulphanilamin, Chloramphenicol, Nitrofuran, Fluoroquinolon và Norfloxaclin).
Ở Thái Lan, việc áp dụng chương trình CoC trong sản xuất giống cho kết quả khả quan vì giá tôm giống theo chương trình CoC tuy cao hơn so với tôm giống khác nhưng người dân được đảm bảo chất lượng.
GS. TS Jirasak Tantronggpiros (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho biết: “Tại Thái Lan, hầu hết người nuôi tôm đều sử dụng chung nguồn nước trong kênh mương. Khi dịch bệnh xảy ra, chủ ao nuôi cắt nguồn nước thải ra mương chung và báo ngay cho các chủ nuôi lân cận, nếu bệnh do virus thì tiêu hủy cả ao và sát trùng, nhằm tránh lây lan sang các ao nuôi kế cận. Theo đó, việc xây dựng ý thức cộng đồng, liên kết và hỗ trợ là rất quan trọng”.
Dự báo cho năm 2014
Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA), năm 2013, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) tấn công khiến ngành tôm Thái Lan thiệt hại tới 50 tỷ baht (tương đương 1,54 tỷ USD). Chủ tịch TSA, Somsak Paneetatyasai cho hay, sản lượng tôm Thái Lan năm 2013 chỉ đạt 250.000 - 300.000 tấn, giảm mạnh so 540.000 tấn năm 2012 và đỉnh điểm 640.000 tấn năm 2010. Tổng sản lượng tôm xuất khẩu năm 2013 của Thái Lan chỉ 200.000 tấn, trị giá 70 tỷ baht (2,15 tỷ USD). Xuất khẩu giảm mạnh đã khiến Thái Lan mất danh hiệu nhà xuất khẩu tôm số 1 tại thị trường Mỹ về tay Ấn Độ. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm khôi phục sản xuất, Thái Lan sẽ sớm trở lại vị trí dẫn đầu trong hai năm tới.
Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm Thái Lan năm 2014 sẽ khá hơn năm 2013 do sản xuất tôm nước này đang dần phục hồi và nhiều thị trường tiêu thụ trọng điểm tình hình kinh tế sẽ tốt hơn.
TSA dự báo, sản lượng tôm Thái Lan năm 2014 sẽ tăng 20%, đạt 300.000 - 320.000 tấn, nhờ kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và gia tăng sản xuất tôm giống. Theo đó, xuất khẩu tôm dự kiến sẽ tăng khoảng 20%, với khối lượng 240.000 tấn, trị giá 70 tỷ baht.
>> Mạng lưới Các trung tâm Nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương (NACA) cho biết, một trong những yếu tố chính tạo nên thành công nghề nuôi tôm ở Thái Lan là sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn nước, quản lý dịch bệnh và kiểm soát dư lượng kháng sinh ở tôm nuôi. |