Lấy lại vị thế của ngành nuôi trồng thủy sản
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản Việt Nam diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia có đóng góp lớn về sản lượng thủy sản toàn cầu nhưng vị thế cạnh tranh của ngành này đang dần suy yếu.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng, hiện nay công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn ứng dụng, đạt năng suất khá cao, như công nghệ thâm canh cá tra đạt năng suất 300 - 350 tấn/ha/vụ, tôm thâm canh có thể đạt 10 - 12 tấn/ha/vụ. Các doanh nghiệp này cũng đã có công nghệ siêu thâm canh trong hệ nuôi tuần hoàn khép kín hoặc biofloc, đạt năng suất tới 50 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, chất lượng giống bố mẹ của một số loài quan trọng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng vẫn phải phụ thuộc chủ yếu từ khai thác tự nhiên hoặc nhập khẩu, chất lượng cá tra bố mẹ cần được nâng cao.
Nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam
Ngành nuôi trồng thủy sản đang đối diện với những thách thức lớn như diện tích nuôi trồng tăng nhanh, nhưng hạ tầng dùng chung chưa đáp ứng; sản xuất quy mô nhỏ nông hộ chiếm tỷ lệ cao; tổ chức sản xuất khép kín thành chuỗi chưa nhiều, nên không chủ động kiểm soát chất lượng; giá đầu vào thức ăn, con giống, năng lượng vẫn rất cao; thị trường bấp bênh.
Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, Chính phủ cần có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nuôi một cách cụ thể hơn về vấn đề quy hoạch vùng nuôi, quy trình và công nghệ nuôi, vốn đầu tư… Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững phải tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là khu vực ĐBSCL trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề; quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường; tổ chức sản xuất giống chất lượng cao, công nghệ nuôi, chế biến xuất khẩu gắn với liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.