Hỗ trợ trực tuyến

 C. Thủy 0948.418.418

A. Thịnh 0942.008.800

 

Đối tác

 

 

Một số bệnh tôm thẻ chân trắng thường gặp và giải pháp

Một số bệnh tôm thẻ chân trắng thường gặp và giải pháp phòng ngừa

Trong thời gian thực hiện đề tài, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát và lấy mẫu kiểm tra một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm và nhận thấy một số bệnh gây hiệu quả nghiêm trọng:

Một số bệnh thường gặp

1. Bệnh đốm trắng do virus (WSSV)

Trong tổng số 180 hộ được điều tra về dịch bệnh, sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả 100 mẫu dương tính với WSSV (chiếm 56,18%).

Tôm nhiễm WSSV thường có những biểu hiện như: dạt bờ, kém ăn, bơi yếu và xuất hiện các đốm trắng có vòng tròn đồng tâm đường kính từ 0,5-2mm trên vỏ kitin, tập trung nhiều ở giáp đầu ngực. Sau 5 – 7 ngày nhiễm bệnh tôm bị chết ồ ạt từ 70 đến 90% và có thể lên đến 100%.

Tác nhân gây bệnh là do White Spot Syndrome Virus (WSSV) gây ra.

Bệnh WSSV lây truyền theo hai con đường: từ tôm bố mẹ sang con và từ môi trường ao nuôi lây nhiễm.

Trong đó lây truyền qua đường ao nuôi ô nhiễm là chính. Virus lây từ các giáp xác khác (tôm, cua, chân chèo) nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. Khi các loài tôm bị bệnh đốm trắng trong ao, sức khỏe chúng yếu hoặc chết các con tôm khỏe đã ăn chúng dẫn đến bệnh lây lan càng nhanh hơn. Có thể một số loài chim nước đã ăn tôm bị bệnh đốm trắng từ ao khác và bay đến ao nuôi đã mang theo các mẩu tôm thừa rơi vào ao nuôi hoặc lây từ người, dụng cụ ao nuôi không được vệ sinh kỹ…

Sự phát triển và bùng nổ thành bệnh phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu thời tiết và môi trường ao nuôi như vấn đề stress do môi trường, do mật độ cao; Khi tôm mang mầm bệnh và các yếu tố môi trường vượt qua ngưỡng sinh thái thích hợp. Đặc biệt khi thời tiết biến động và thời điểm trước chu kỳ lột xác của tôm.

2. Bệnh do các yếu tố môi trường

Bảng: Tổng hợp kết quả môi trường (Xem bảng)

 

Kết quả thống kê cho thấy, trong tất cả các chỉ tiêu về môi trường nước nuôi trong các ao tôm thì các chỉ số H2S, NH3, COD, Vibrio, VK tổng số, có nồng độ cao vượt giới hạn cho phép trong ao nuôi, nên có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát bệnh của tôm thẻ chân trắng. Trong đó, chỉ tiêu vi khuẩn vibrio trong môi trường là có mức độ ảnh hưởng lớn nhất.

Bệnh do các vi khuẩn vibrio gây nên, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường có các đặc điểm sau: tôm hoạt động yếu, bơi lờ đờ và tấp bờ, mang và đuôi có thể bị thối rữa và xuất hiện những chấm trắng hoặc đen nhỏ ở vùng bụng, vỏ và chân bơi, chân bò… đuôi tôm sưng phồng và có mủ. Bệnh nặng, đuôi và thùy lá bị mòn, chân và các phụ bộ bị thối gãy. Tôm bỏ ăn, yếu dần và dễ ăn thịt lẫn nhau. Nguyên nhân chính là do môi trường nuôi tôm có nhiều vi khuẩn vi nấm ký sinh. Thường gặp ở những ao có mật độ nuôi quá dày, đáy ao nhiễm bẩn, do thức ăn thừa. Ngoài ra còn có một số tác nhân cơ hội là ký sinh trùng (Zoothamnium sp, Epistilis sp, Vorticella sp…) bám nhiều trong mang, bộ phụ gây ngứa, hô hấp kém, vận động, bắt mồi chậm chạp… cũng góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi.

Chỉ số vibrio cho phép trong môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh tối đa là 103. Tuy nhiên theo kết quả phân tích thống kê cho kết quả trong 178 hộ thu thập mẫu có tới 66,2,5% số mẫu có lượng vibrio lớn hơn 103 độ tin cậy 95%. Có thể nói vi khuẩn vibrio là một trong những tác nhân môi trường chủ yếu gây bệnh cho tôm thẻ chân trắng.

Đề xuất một số biện pháp phòng bệnh

Từ nguyên lý lý thuyết và từ thực tế tại các địa phương điều tra khảo sát, chúng tôi đưa ra một số biện pháp phòng bệnh như sau:

a) Quản lý sức khỏe tôm nuôi

- Cần lựa chọn tôm giống từ cơ sở cung cấp giống có tôm bố mẹ được chứng nhận dòng sạch bệnh (dòng SPF Specific Pathogen Free) hoặc dòng kháng bệnh (dòng SPR Specific Pathogen Resistant) và có chứng nhận kiểm dịch.

- Tôm giống có kích cỡ đồng đều, phù hợp với lứa tuổi quy định (thẻ chân trắng: PL 12 trở lên) để thả nuôi. Nên ương giống từ 20 – 30 ngày trước khi thả nuôi thịt.

- Cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, đường, mỡ, muối… sẽ đạt tỷ lệ hấp thu cao, quá trình sinh trưởng, phát triển tốt, khi ao nuôi bị ônhiễm, thời tiết cực đoan, sức khỏe tôm suy giảm nên tăng cường khả năng phòng bệnh bằng cách bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn.

b) Quản lý tác nhân gây bệnh

Trong môi trường ao nuôi khả năng hiện diện của các tác nhân gây bệnh trong nguồn nước, bùn đáy, do lây nhiễm từ môi trường xung quanh, người chăm sóc, dụng cụ, động vật..rất cao. Vì vậy ở từng công đoạn nuôi phải có biện pháp hạn chế, loại bỏ tác nhân gây bệnh. Càng về cuối vụ nuôi thức ăn thừa, phân, lở bờ tích tụ ở đáy ao càng nhiều, đây chính là nơi tác nhân gây bệnh sinh sôi, nếu không quản lý tốt sẽ gây bệnh cho tôm và lây nhiễm sang các ao xung quanh.

- Có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Nước trước khi lấy vào ao nuôi phải được kiểm tra chất lượng và trước khi xả ra môi trường phải được xử lý. Đặc biệt, đối với ao nuôi đã bị nhiễm bệnh cần vớt sạch xác tôm chết và đem chôn tại nơi an toàn; loại bỏ hết các loài giáp xác có trong ao nuôi; tiến hành ngâm rửa và vệ sinh kỹ đáy ao bằng vôi đá hoặc formol để loại bỏ mầm bệnh trước khi lấy nước vào ao nuôi; cần có ao lắng để xử lý nước trước khi  cấp vào nuôi. Hạn chế việc can thiệp bằng hóa chất trong ao nuôi.

- Người nuôi tôm phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với ao nuôi và khi chuẩn bị thức ăn và cho ăn. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Các ao nuôi phải có dụng cụ riêng (thau, vợt, dụng cụ cho ăn...) và các dụng cụ này phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng, bảo quản đúng nơi quy định. Hạn chế thấp nhất các tác nhân từ bên ngoài có thể gây bệnh đến tôm nuôi.

c) Quản lý môi trường ao nuôi

- Chuẩn bị ao nuôi theo đúng quy trình từ các khâu tẩy dọn ao, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, nên có ao xử lý để chủ động cấp, thoát nước đảm bảo môi trường nước phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm.

- Sử dụng thức ăn, thuốc thủy sản rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh sử dụng trong nuôi tôm phải nằm trong danh mục các sản phẩm được phép lưu hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi (pH, oxy hòa tan, độ kiềm, khí độc...)Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường để điều chỉnh chế độ cho ăn, xử lý môi trường nhằm hạn chế các trường hợp gây sốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi.

Ngoài ra chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Tuân thủ lịch thời vụ.

- Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay với chính quyền địa phương, cán bộ thủy sản để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Đồng thời báo cho những hộ nuôi xung quanh để cùng tăng cường các biện pháp phòng bệnh, tránh mầm bệnh lây lan trên diện rộng.

- Đối với các ao tôm đã có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc xác định tôm bị chết không rõ nguyên nhân phải được khử trùng nước, sát khuẩn, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh, bằng cách dùng chlorin để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30ppm (với chlorin có hàm lượng 70%). Vớt xác tôm chết xử lý vôi bột và đem chôn. Thời gian ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao vào ao chứa nước thải. Tuyệt đối không thải nước chưa được xử lý ra môi trường bên ngoài, cải tạo đáy ao và phơi ao, thời gian tối thiểu là 1 tháng. Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu hủy tôm phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, tránh phát tán mầm bệnh ra khu vực lân cận.

- Trong năm nên có thời gian nghỉ vụ hoặc nuôi đối tượng khác nhằm loại bỏ triệt để mầm bệnh và tạo môi trường tốt cho đối tượng nuôi chính.

- Người nuôi có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau nhằm tăng cường quản lý môi trường, dịch bệnh, hạ giá thành chi phí…


Ngày cập nhật 2015/03/12 Tác giả: báo Tuổi Trẻ





Tag:

Công ty TNHH SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN BẢY TƯƠI
Thôn Hòa Thạnh, Xã An Hải, Huyện Ninh Phước, Tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam
MST: 4500568976
Tel: 0259.627.2794                       Hand phone: 0913.184.214

CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT GIỐNG THỦY SẢN BẢY TƯƠI © 2025 Cài đặt bởi WebsiteGiaSoc

BACK TO TOP